Mục Lục
Ly hôn luôn là vấn đề rất khó giải quyết bởi nó bị ràng buộc bởi yêu tố tình cảm. Nhiều trường hợp mặc dù vợ hoặc chồng đã nộp đơn khởi kiện ly hôn nhưng sau đó họ lại không muốn ly hôn nữa và muốn rút lại đơn khởi kiện ly hôn mà mình đã nộp trước đó. Vậy nhưng thủ tục rút lại đơn ly hôn đơn phương như thế nào? Đơn đã nộp có còn rút lại được không? Trong bài viết này, Luật Tuệ An sẽ tư vấn rõ cho bạn đọc về “Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương“.
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 hướng dẫn mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án với các quy định về án phí dân sự, tạm ứng án phí dân sự, án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, án phí hành chính sơ thẩm, phúc thẩm.
Rút đơn ly hôn đơn phương là gì?
Rút đơn ly hôn đơn phương là việc người nộp đơn khởi kiện ly hôn vì các lý do khác nhau mà thay đổi quyết định không muốn ly hôn nữa.
Ta có thể hiểu rằng đó chính là việc nguyên đơn sau khi đã nộp đơn ly hôn đơn phương lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền thì lại muốn xin rút lại yêu cầu của mình.
Ai là người được rút đơn ly hôn đơn phương?
Khi tham gia vào quá trình tố tụng thì một trong những đặc quyền của đương sự đó chính là quyền quyết định và quyền tự định đoạt của mình. Tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rằng đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:
4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.
Theo quy định này thì trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền rút đơn khởi kiện. Cụ thể trong trường hợp giải quyết vụ án ly hôn đơn phương, nguyên đơn có quyền được rút đơn ly hôn nếu việc rút đơn là tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối.
Có thể rút đơn ly hôn đơn phương ở giai đoạn nào?
Trong quá trình giải quyết một vụ án ly hôn, đương sự có thể rút đơn ly hôn theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, đương sự có thể rút đơn ly hôn đơn phương tại một trong các thời điểm sau:
Rút đơn khi tòa án chưa thụ lý vụ án
Tại khoản 2 điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về quyền tự định đoạt của đương sự thì:
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Như vậy khi Tòa án chưa thụ lý vụ án ly hôn thì đương sự có quyền chấm dứt hoặc thay đổi yêu cầu của mình. Tức là khi chưa bắt đầu thủ tục tố tụng giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, người nộp đơn xin ly hôn hoàn toàn được rút đơn ly hôn để cân nhắc thêm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Rút đơn trước khi mở phiên tòa sơ thẩm
Trước khi mở phiên tòa là thời gian tính từ khi thụ lý vụ án ly hôn cho đến trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu như người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Như vậy, trường hợp nguyên đơn rút hết toàn bộ yêu cầu của mình và không còn yêu cầu của các đương sự khác thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Khi đó Tòa án tiến hành xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có.

Rút đơn tại phiên tòa sơ thẩm
Căn cứ theo quy định tại Điều 243 hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu và Điều 244 xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:
- Tại phiên tòa sơ thẩm chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi đương sự về việc có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
- Nếu đương sự muốn rút yêu cầu khởi kiện ly hôn thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử vụ án nếu thấy việc rút đơn là tự nguyện.
Như vậy, nếu việc rút đơn ly hôn là tự nguyện thì ngay tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự vẫn hoàn toàn có thể rút đơn và Hội đồng xét xử sẽ tiến hành đình chỉ xét xử vụ án.
Rút đơn ly hôn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm
Theo quy định quy định về việc nguyên đơn rút đơn trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm tại Khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Nếu:
- Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
- Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu có việc kháng cáo bản án sơ thẩm thì thủ tục ly hôn sẽ được tiếp tục giải quyết ở cấp phúc thẩm. Và trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm giải quyết việc ly hôn thì nguyên đơn có thể rút yêu cầu ly hôn và được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu bị đơn đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện ly hôn. Khi đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn. Trường hợp bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp ly hôn theo thủ tục phúc thẩm.
Các bước tiến hành thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương
Theo quy định của pháp luật hiện hành trên thì người khởi kiện được rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện ở thời điểm phù hợp mà pháp luật cho phép. Thủ tục rút đơn ly hôn thực hiện như sau:
Viết và nộp đơn xin rút đơn theo mẫu
Nguyên đơn viết đơn yêu cầu rút đơn theo mẫu gửi lên Tòa án nhân dân mà vợ, chồng đã nộp đơn để Tòa án trả lại đơn và hồ sơ.
Trong đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn, cần trình bày rõ thông tin và tư cách của người làm đơn xin rút yêu cầu và trình bày về lý do xin rút đơn ly hôn.
Nhận lại tài liệu, chứng cứ
Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về các công việc mà Tòa án thực hiện trong thời gian xét đơn yêu cầu thì: trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người yêu cầu.
Khi đó, người khởi kiện sẽ nhận lại tài liệu, chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án.
Lệ phí ly hôn khi rút đơn
Tại khoản 3 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự về Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã quy định rằng: Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
Như vậy, khi vụ án bị đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút đơn xin ly hôn thì tiền tạm ứng án phí sẽ được trả lại. Việc rút đơn ly hôn thuận tình sẽ không mất bất kỳ khoản phí nào và tiền tạm ứng án phí đã nộp trước đó sẽ được trả lại cho nguyên đơn.
Rút đơn ly hôn rồi có được nộp lại hay không?
Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, đương sự đã rút đơn ly hôn thì có nộp lại được hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại nếu trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại, cụ thể là trong các trường hợp sau đây:
- Yêu cầu ly hôn;
- Yêu cầu thay đổi nuôi con;
- Thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản
- Thay đổi người giám hộ
- Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
Theo quy định này, đối với yêu cầu ly hôn mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu thì đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện.
Như vậy, trong trường hợp trước đây bạn đã rút đơn ly hôn thì Tòa án đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của bạn. Thời điểm hiện tại nếu có căn cứ để ly hôn và muốn yêu cầu Tòa án giải quyết thì bạn hoàn toàn có thể nộp lại đơn ly hôn. Khi đó Tòa án vẫn sẽ xem xét đơn và giải quyết yêu cầu của bạn theo thủ tục tố tụng dân sự.
Mẫu đơn xin rút đơn ly hôn đơn phương
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…………., ngày……tháng…….năm…………
ĐƠN XIN RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Tòa án nhân dân…………………………………………………………………………………….………………………
Tôi tên là:………………………………………. Sinh ngày:………………………………………………………………………….
Chứng minh thư nhân dân số:………….……..……… Cấp ngày:………………………………Nơi cấp…………………….
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:……………………………………………………………………….…………………………..
Tôi làm đơn này xin kính đề nghị Tòa án giải quyết cho tôi với nội dung cụ thể như sau:
Tôi tên là……………………………..…., tôi và vợ/ chồng…………………………………….kết hôn năm……….được UBND xã/ phường…………………………..cấp Giấy chứng kết hôn ngày…………tháng…………..năm……….
Do mâu thuẫn vợ chồng đã dẫn đến trầm trọng nên tôi đã làm đơn xin ly hôn gửi lên Tòa án nhân dân……………………….……và được Tòa án nhân dân……………………………thụ lý vụ án theo thông báo thụ lý số:…………………………
Nhưng hiện nay chồng tôi đã đi ra nước ngoài làm việc theo dạng xuất khẩu lao động nên tôi làm đơn này xin được rút đơn khởi kiện mà tôi đã nộp tại Tòa án nhân dân…………………………………
Kính mong quý Tòa án xem xét và giải quyết.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
NGƯỜI LÀM ĐƠN
Trên đây là tư vấn của Luật Tuệ An về “Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý về Dịch vụ ly hôn nhanh, bạn vui lòng liên hệ ngay đến Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bài viết khác tại đây:
- Nộp hồ sơ ly hôn ở đâu theo quy định mới nhất hiện nay
- Chia tài sản ly hôn theo quy định của pháp luật
- Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn
Luật Tuệ An ” VỮNG NIỀM TIN -TRỌN CHỮ TÍN”
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TUỆ AN.
Trụ sở chính: Số 11 ngõ 110 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669
Email: [email protected]