Mục Lục
Trong cuộc sống hôn nhân, khi sảy ra mâu thuẫn mà không thể giải quyết nhưng chưa tới mức phải ly hôn thì thường các cặp vợ chồng sẽ lựa chọn giải pháp ly thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phân biệt rõ giữa hai chế định ly thân và ly hôn. Trong bài tư vấn, Luật Tuệ An sẽ giúp bạn phân biệt rõ hai chế định ly thân và ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ly thân là gì?
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có những quy định hay chế định cụ thể rõ ràng về khái niệm ly thân là gì? Trong cuộc sống, ly thân là một trong những trạng thái khá phổ biến và cũng rất dễ bắt gặp. Ly thân thể hiện sự rạn nứt về mặt tình cảm của vợ chồng trong hôn nhân.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng ly thân chính là việc vợ chồng không còn chung sống với nhau trong cùng một mái nhà, không ngồi cùng ăn trong một mâm cơm, không có những hoạt động sinh hoạt chung hay thậm chí là ngừng cả chuyện “quan hệ chăn gối” với nhau.
Phân biệt ly thân và ly hôn
Điểm giống nhau
Về căn cứ ly hôn và ly thân
Căn cứ để hai vợ chồng có thể đi đến quyết định ly thân cũng giống với căn cứ để ly hôn. Cụ thế đó là khi mâu thuẫn giữa hai vợ chồng khiến cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được. Lúc này việc lựa chọn ly thân hay ly hôn sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn và cách thức giải quyết của hai vợ chồng.
Tình cảm của hai vợ chồng
Nếu xét về mặt tình cảm của hai bên vợ, chồng ở trong hai trường hợp này thì họ đều đã không còn mặn nồng với cuộc sống hôn nhân đó. Giữa hai bên đã có những mâu thuẫn, những rạn nứt nhất định trong tình cảm. Những điều đó khiến cho họ cảm thấy mình không thể hoặc không muốn cùng chung sống, cùng sinh hoạt với đối phương được nữa.

Điểm khác nhau
Mặc dù có những điểm tương đồng giữa ly thân và ly hôn nhưng vẫn có những điểm khác biệt để phân biệt giữa ly thân với ly hôn, cụ thể như sau:
Khái niệm
Ly hôn là một trong chế định được điều chỉnh bởi luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ly hôn chính là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Đối với ly thân, cho tới thời điểm hiện tại pháp luật nước ta vẫn chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này. Trên thực tế, khi đưa ra khái niệm về ly thân thì đó cũng chỉ xuất phát từ cách hiểu trong thực tế đời sống. Như phần đầu của bài viết đã đề cập thì ta có hiểu ly thân là việc hai người nam và nữ sau khi kết hôn vẫn đang là vợ chồng nhưng lại sống riêng và không sinh hoạt cùng nhau.
Quan hệ nhân thân
Nhân thân chính là quyền dân sự gắn liền với bản thân của mỗi người, được hình thành, phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt bằng những quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Kết hôn là một sự kiện phát sinh quyền nhân thân của công dân.
Luật Hôn nhân và gia đinh năm 2014 đã quy định trong thời kỳ hôn nhân giữa vợ và chồng có các quyền và nghĩa vụ nhân thân như:
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu chung thủy, tôn trọng nhau;
- Vợ chồng có quyền tự thỏa thuận nơi cư trú;
- Vợ chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhau….
Ly thân chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng chứ không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân (về mặt pháp lý) giống như trường hợp ly hôn. Chính vì vậy cho nên trong thời gian ly thân thì các quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng vẫn được pháp luật bảo vệ.
Ly hôn được coi là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ vợ chồng khi bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật. Kéo theo đó là các quyền và nghĩa vụ về nhân thân sẽ bị chấm dứt hoàn toàn khi quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Như vậy, ta thấy rằng khi ly hôn các quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng sẽ bị chấm dứt. Còn đối với ly thân sẽ không làm ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng, hơn nữa các quyền và nghĩa vụ đó vẫn được pháp luật bảo vệ.
Thủ tục tiến hành
Thứ nhất, về thủ tục ly hôn: Theo quy định của pháp luật thì khi ly hôn phụ thuốc vào mâu thuẫn và sự thỏa thuận giữa hai bên thì các cặp vợ chồng bắt buộc sẽ phải tiến hành ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn hoặc ly hôn đơn phương.
Thứ hai, về thủ tục ly thân: Vì pháp luật không thừa nhận việc ly thân đồng thời cũng không có các quy định cụ thể giống như ly hôn nên khi ly thân thủ tục tiến hành sẽ do hai vợ chồng tự sắp xếp, thỏa thuận với nhau mà không cần Tòa án giải quyết. Khi ly thân nếu vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung nhưng lại không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, khi ly thân hai vợ chồng không cần phải viết đơn xin ly thân yêu cầu Tòa án giải quyết như khi yêu cầu giải quyết ly hôn. Hơn nữa việc ly thân cũng không làm ảnh hưởng tới quan hệ hôn nhân giữa hai bên.
Hệ quả pháp lý của ly thân và ly hôn
Hậu quả pháp lý khi ly thân
Do pháp luật hiện hành không thừa nhận vấn đề ly thân nên hậu quả pháp lý giữa ly hôn và ly thân là hoàn toàn khác nhau.
Khi ly thân, mặc dù vợ chồng đã không còn chung sống với nhau thì về mặt pháp lý đó vẫn là quan hệ hôn nhân chính thức và được pháp luật thừa nhận. Theo quy định của pháp luật ly thân không được coi là một trong những căn cứ để ly hôn cho nên chúng ta không thể xác định được rằng ly thân trong khoảng thời gian bao lâu thì sẽ được ly hôn. Tuy nhiên, khi ly thân cho ta thấy rằng giữa hai vợ chồng đã có những mâu thuẫn kéo dài, không thể hàn gắn với nhau cũng như không thể tiếp tục chung sống cùng nhau. Từ đó sẽ là cơ sở để có thể chứng minh mâu thuẫn giữa hai vợ chồng và tiến hành thủ tục ly hôn một cách nhanh chóng hơn.
Vì không chấm dứt quan hệ hôn nhân nên trong thời gian ly thân, mọi quyền và nghĩa vụ của hai bên liên quan đến các vấn đề tài sản chung, con chung,… vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và các quy định khác có liên quan. Khi vợ chồng có nhu cầu chia tài sản chung, giải quyết vấn đề người trực tiếp nuôi con chung hay cấp dưỡng cho con thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Trong trường hợp hai vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hậu quả pháp lý khi ly hôn
Khi ly hôn, hậu quả pháp lý của nó sẽ là kết quả tất yếu mà hai vợ chồng sẽ phải gánh chịu khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Cụ thế:
Về quan hệ nhân thân: Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Theo đó, khi ly hôm thì hai bên sẽ không còn là vợ chồng của nhau bởi quan hệ hôn nhân giữa hai người đã chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực,
Về quan hệ tài sản: Mọi tài sản phát sinh sau khi đã hoàn thiện thủ tục ly hôn theo đúng quy định của pháp luật sẽ là tài sản riêng của mỗi bên.
Về quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái: Việc ly hôn không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con mà chỉ làm chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng. Cho nên sau khi vợ chồng ly hôn thì giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 81 của luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó:
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình .
- Vợ, chồng sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Đồng thời, sau khi ly hôn cũng phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Theo quy định tại Điều 82 luật Hôn nhân và gia đình thì sau ly hôn cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thì sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trên đây là tư vấn của Luật Tuệ An về “Khái niệm ly thân. Phân biệt ly thân và ly hôn”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý về Dịch vụ ly hôn nhanh, bạn vui lòng liên hệ ngay đến Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669.
Luật Tuệ An ” VỮNG NIỀM TIN -TRỌN CHỮ TÍN”
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TUỆ AN.
Trụ sở chính: Số 11 ngõ 110 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669
Email: [email protected]
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bài viết khác tại đây:
- Ly thân là gì? Quy định của pháp luật về ly thân
- Chia tài sản ly hôn theo quy định của pháp luật
- Dịch vụ giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn