Mục Lục
Xin chào luật sư, tôi và vợ tôi cưới nhau đã được 02 năm. Hiện nay vợ tôi đang mang thai được 05 tháng, nhưng do đời sống vợ chồng tôi ngày càng gặp nhiều bất đồng, cãi vã triền miên. Liệu rằng tôi có được ly hôn khi vợ đang mang thai hay không? Thủ tục để ly hôn khi vợ đang mang thai như thế nào? Xin luật sư tư vấn giúp!
Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc của mình đến Luật Tuệ An!
Về vấn đề ly hôn khi vợ đang mang thai chúng tôi xin giải đáp như sau:
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai không?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì người chồng sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn khi:
- Vợ đang có thai;
- Vợ sinh con;
- Vợ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Theo đó, người chồng sẽ không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Quy định này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe, quyền lợi hợp pháp của bà mẹ và trẻ em. Thời gian mang thai hay đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là khoảng thời gian rất khó khăn đối với người phụ nữ, trong khoảng thời gian đó cả người mẹ hay đứa trẻ họ đều cần có được sự chăm sóc của người chồng, người cha.
Như vậy, trong tình huống của bạn, tại thời điểm vợ bạn đang mang thai 5 tháng thì quyền yêu cầu ly hôn của bạn đã bị hạn chế. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể đơn phương ly hôn khi vợ mình đang mang thai.
Làm thế nào để ly hôn khi vợ đang mang thai?
Pháp luật chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong trường hợp này nếu người chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết.
Tuy nhiên, Tòa án vẫn sẽ tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu ly hôn khi:
- Cả hai vợ chồng đều đồng ý về việc ly hôn và thỏa thuận được vấn đề quyền nuôi con, cấp dưỡng, phân chia tài sản (thuận tình ly hôn);
- Người vợ có yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương.
Như vậy, trong trường hợp của bạn để giải quyết ly hôn thì bạn có thể thực hiện một trong hai cách sau đây:
- Bạn nên trao đổi với vợ của bạn về tình hình mâu thuẫn của hai người trong cuộc sống hôn nhân hiện tại. Nếu cả bạn và vợ bạn đồng ý giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn hoặc vợ bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương thì Tòa án vẫn sẽ xem xét và giải quyết.
- Trong trường hợp vợ bạn không đồng ý việc giải quyết ly hôn, thì bạn sẽ cần phải chờ đến khi con bạn sinh ra và cháu bé đủ 12 tháng tuổi thì lúc này yêu cầu giải quyết ly hôn của bạn sẽ được Tòa án giải quyết.

Thủ tục ly hôn khi mang thai
Thủ tục đơn phương ly hôn khi mang thai
Trong thời gian vợ đang mang thai thì chỉ có người vợ mới có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương. Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương khi vợ đang mang thai như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Nếu bạn muốn yêu cầu ly hôn đơn phương, bạn sẽ phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ hồ sơ như sau:
- Mẫu đơn ly hôn đơn phương;
- Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao công chứng);
- Sổ hộ khẩu của vợ và chồng (bản sao công chứng);
- Giấy khai sinh của các con (Bản trích lục);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về tài sản chung, nợ chung cả hai vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương khi đang mang thai là tòa án cấp huyện nơi người chồng cư trú, làm việc.
Trường hợp ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài thì tòa án có thẩm quyền là:
- Tòa án cấp tỉnh nơi người chồng cư trú, làm việc (đối với trường hợp chồng có quốc tịch Việt Nam);
- Tòa án cấp tỉnh nơi người vợ cứ trú (nếu chồng là người nước ngoài).
Bước 3: Thụ lý vụ án
Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ly hôn Tòa án sẽ phải ra một trong các quyết định yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ly hôn hoặc thông báo nộp tạm ứng án phí tòa án.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, bạn sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Không nộp theo thời hạn quy định thì Tòa án sẽ trả lại đơn cho người khởi kiện. Sau khi nộp biên lai tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ xem xét việc thụ lý đơn xin đơn phương ly hôn.
Nếu có thông báo nộp tiền tạm ứng án phí tòa án thì bạn có thể qua Chi cục thi hành án để nộp tiền theo thông báo và bàn giao biên lai thu tiền án phí lại cho tòa để vụ việc được thụ lý.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử vụ án:
Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án ly hôn đơn phương là không quá 06 tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án. Trong khoảng thời gian này tòa án phải thực hiện các thủ tục cần thiết như lấy lời khai, thu thập tài liệu chứng cứ cần thiết, thực hiện thủ tục hòa giải ly hôn đơn phương, tổ chức phiên họp tiếp cận, công khai và công bố chứng cứ,.. để có căn cứ giải quyết thủ tục giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Bước 5: Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Nếu xem xét đủ điều kiện thì Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Có thể gia hạn thời hạn này nhưng không quá 02 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án.
Bản án sơ thẩm vụ án đơn phương ly hôn và giành quyền nuôi con các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị trong vòng 30 ngày kể từ ngày tòa tuyên án. Hết thời hạn nêu trên nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án ly hôn đơn phương tranh chấp quyền nuôi con sẽ có hiệu lực pháp luật còn nếu có thì vụ việc sẽ được tòa cấp trên thụ lý và giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Thủ tục thuận tình ly hôn khi mang thai
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Nếu hai vợ chồng đã thỏa thuận được về vấn đề ly hôn, hai bạn sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ như sau:
- Mẫu đơn ly hôn thuận tình;
- Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao công chứng);
- Sổ hộ khẩu của vợ và chồng (bản sao công chứng);
- Giấy khai sinh của các con (Bản trích lục);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về tài sản chung, nợ chung cả hai vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp đơn lên Tòa để giải quyết thuận tình ly hôn
Hồ sơ thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn được nộp tại Tòa án nhân dân huyện nơi người chồng hoặc người vợ đang sinh sống.
Đó có thể là nơi đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú của vợ hoặc chồng.
Bạn sẽ nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa/ bộ phận tiếp dân của Tòa án nhân dân huyện đó.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ly hôn Tòa án sẽ phải ra một trong các quyết định yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ly hôn hoặc thông báo nộp tạm ứng án phí tòa án.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, bạn sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Nếu có thông báo nộp tiền tạm ứng án phí tòa án thì bạn có thể qua Chi cục thi hành án để nộp tiền theo thông báo và bàn giao biên lai thu tiền án phí lại cho tòa để vụ việc được thụ lý. Trường hợp không nộp tiền tạm ứng án phí theo thời hạn quy định thì Tòa sẽ trả lại đơn yêu cầu và từ chối thụ lý giải quyết.
Bước 4: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu. Tòa án cần tiến hành công việc:
- Yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc;
- Thu thập thêm giấy tờ chứng cứ cần thiết;
- Triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản (nếu cần).
Bước 5: Tiến hành mở phiên họp hòa giải
Thẩm phán tiến hành hòa giải, giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời cũng cần giải thích về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Sau khi hòa giải:
- Trường hợp sau khi hòa giải vợ chồng đoàn tụ thì xác định là hòa giải thành, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của người yêu cầu.
- Trường hợp sau khi hòa giải các bên vẫn quyết định ly hôn và thỏa thuận được với nhau về tài sản chung, con cái, thỏa thuận này phải được lập thành biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận. Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình Ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
- Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các bên đương sự không thỏa thuận được về tài sản, con cái thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn. Chuyển sang thụ lý vụ án để giải quyết .
Như vậy, xét về thủ tục ly hôn khi mang thai ta thấy ly hôn khi vợ mang thai trong trường hợp thuận tình hay người vợ đơn phương ly hôn khi đang mang thai thì các giấy tờ kèm theo hay mẫu đơn ly hôn khi đang mang thai vẫn tương tự như thủ tục ly hôn khi không mang thai.
Trên đây là tư vấn của Luật Tuệ An về “Có được ly hôn khi vợ đang mang thai hay không?”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý về Dịch vụ ly hôn nhanh, bạn vui lòng liên hệ ngay đến Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bài viết khác về Hôn nhân và gia đình tại đây:
Luật Tuệ An ” VỮNG NIỀM TIN -TRỌN CHỮ TÍN”
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TUỆ AN.
Trụ sở chính: Số 11 ngõ 110 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Hotline tư vấn miễn phí: 096.102.9669
Email: [email protected]